Tiểu sử cụ Nguyễn hữu Qúy
( 1881-1959 )
THÂN THẾ.
            Cụ Nguyễn-hữu-Quý sinh năm 1881 ( nhâm ngọ ) ở làng Hội-kê,tổng Thượng-hộ,huyện Duyên-hà,tỉnh Thaí-bình,nay là xã Hồng-lý,huyện Võ-tư,tỉnh Thái-bình,miền bắc việt-nam.
Thân phụ cuả cụ là cụ Nguyễn-hữu-Đòai (thường gọi là cụ Bá Đoài vì cụ làm lý trưởng và được phong hàm bá hộ ),sinh hạ được 9 người con :6 trai,3 gái.Cụ Qúy là con thứ tư,và làm nghề dậy học nên thường gọi là cụ Giáo Tứ.
            Cụ Qúy có 4 cụ bà và 7 người con :5 trai,2 gái.cụ lập gia đình hơi trễ,năm gần 40 tuổi cụ mới lập gia đình với bà ................... ở Nam-định,nhưng vưà được 1 năm,khi chưa có con thì bà thụ bệnh qua đời.Sau đó cụ được đổi đi dậy ở Quảng-Yên.Ở đây cụ dã lập gia đình với cụ Phan-thị-Tâm (nguyên quán lang Đồng-đại),nhưng các cụ vẫn còn hiếm muộn.Khi đổi về dậy ở Nam-định,cụ đã lập gia dình với cụ bà Nguyễn-thị Tuất (cũng nguyên quán ở Nam-định.)với hy vọng sẽ có con sớm.Tiếp theo cụ đổi về dậy tại Nghiã-hưng,cụ kết duyên với bà Trần-thị-Chi,và sinh hạ dược 1 con trai.
Các con cụ gồm 7 người:
1: Cô Nguyễn-thị-Báu ( tức bà Phạm bá Lợi )
2: Ông Nguyễn-hữu-Trọng
3: Ông Nguyễn-hữu-Quyến
4: Ông Nguyễn-hưũ-Nhã ( tức Hoàng-cao-Nhã )
5: Cô Nguyễn-thị-Ngọc ( tức bà Nguyễn hữu Khiên )
6: Ông Nguyễn-hữu-Quyền
7: Ông Nguyễn-hữu-Giá
            Cụ còn 2 dưỡng tử là :-Nguyễn-hữu-Nhuận ( tức Trần-văn-Răng ) -Nguyễn-thị-Ngắm (tức bà Trần-đình-Vỹ) Hiện gia đình ông Vỹ vẫn còn ở Hội-kê,còn gia đình ông Nhuận ở miền Nam ( làng Phước-hòa,trại Lam-sơn,Bà-rịa ).Sau khi bà Nhuận mất rồi,các con cái phân tán đi xa,mỗi người một nơi chưa biết rõ. Khi cụ lập gia đình với bà Nguyễn-thị-Tuất và sinh được ông Nguyễn-hữu-Trọng rồi ,thì 2 năm sau bà Phan-thị-Tâm mới sinh ra cô Nguyễn-thị-Báu
            Ông Nguyễn-hữu-Nhã có tên là Hoàng-cao-Nhã vì hồi nhỏ ông là dưỡng tử của cụ Hoàng-văn-Nhàn ( cụ Nhàn không có còn và là gia đình thân quen cuả cụ Qúy ở Nam-định.).Đến khi cụ Nhàn ông qua đời,ông Nhã mới lại trở về sống ở Hội-kê,rồi sau đó sống ở miền nam cùng với gia đình như hiện nay.
CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
            Cụ Qúy sinh ra vào buổi giao thời,khi hòa ước Patenotre năm 1881 chấm dứt chủ quyền cuả nhà Nguyễn ,mở đầu thời kỳ thống trị của người Pháp ở Việt-nam.
            Thiếu thời,Cụ học chữ nho như các thanh niên khác.Cụ mang một hòai bão là sẽ phải tiến thân trên con đường khoa bảng,hầu mong đóng góp gì cho sự phục hưng gia đình và đất nước.Nhưng tình thế đổi thay,giữa lúc cụ đang dùi mài kinh sử để lều trõng lên đường,thì việc học chữ nho cũng dần được bãi bỏ để thay bằng một nền học mới:chữ quốc ngữ và chữ Phú-lãng-sa (tiếng Pháp).Năm 17 tuổi,lúc cụ đang học chữ nho thì nhà nước thông tư cho các địa phương là mỗi tổng phải tuyển chọn 2 người để cử lên tỉnh theo học chữ quốc ngữ và chữ Pháp.Lúc này cụ Nguyễn-hữu-Đòai đã mất.Cụ Đoài qua đời trong lúc cụ Qúy còn nhỏ tuổi,do đó cụ Nguyễn-hữu-Hân ( anh cả trong gia đình )đang làm chánh tổng sở tại đã hội ý cùng gia đình chọn 2 người trong số các em dể đề cử đi học.Cuối cùng kể cả những người khác trong địa phương không ai chịu từ bỏ nền học cũ cuả thánh hiền,chỉ có một mình cụ Qúy hưởng ứng "đổi ngọn bút lông sang bút sắt" để lên đường theo đuổi nền văn hóa mới. Thế là cụ được làm lễ thí phát ra đi.(Hồi đó các thanh niên vẫn để tóc dài,búi tó củ hành vì ngày xưa người ta quan niệm rằng " thân thể phát phu,thụ chi phụ mẫu"tức là thân xác,tóc râu cuả mình là của cha mẹ sinh ra,không dược hủy hoại hoặc làm thương tổn,trường hợp cần thiết phải cạo râu,hớt tóc thì phải làm lễ thí phát để tạ tội với cha mẹ. Với tư chất thông minh đặc biệt,cụ học quốc ngữ và chữ pháp trong 2 năm.Cụ đã thi được bằng Cơ-thủy ,tức là văn bằng certificat ( tốt nghiệp tiểu học ).Cụ được bổ làm giáo học sơ cấp tại huyện nhà (huyện Duyên-hà,tiếp theo là Nam-định.Chí tiến thủ của cụ không dừng lại ở đây.Trong khi dậy học tại Nam-định ,cụ đã cùng người bạn đồng nghiệp là cụ Đào-đức-Tầm,vưà đi học thêm với thày người Pháp, vưà cùng nhau tự học rồi đi thi.Cụ đã tốt nghiệp văn bằng diplome (cao đẳng tiểu học).Đây là văn bằng rất có giá trị thời đó,và có lẽ cụ cũng là người đầu tiên tốt nghiệp văn bằng này ở Việt nam.Ngay sau đó cụ được cử đi dậy ở bậc cao hơn,là bậc tiểu học.Lần lượt cụ được đổi đi dậy và làm hiệu trưởng (thời đó gọi là ông Đốc)ở các trường nơi khác là Cầu-cố,cố-yên,Nghiã-hưng,Quảng-yên,Phủ-lý,rồi lại về Nam-định.Trong những nơi mà cụ đả trải qua trong suốt 30 năm trong giáo giới,thì Nam-định là nơi gắn bó với cụ nhiều hơn cả,trước sau khoảng gần 20 năm.Trong thời gian tại chức có thời kỳ cụ phải nghỉ khá lâu để điều trị bệnh hậu bối trầm trọng,sau khi bình phục cụ đã xin nghỉ dài hạn để chuyển sang kinh doanh,khai thác mỏ than ở Quảng-yên,Hồng-gai,và sau đó cùng với các anh em trong nhà nhận lãnh đào kênh và đắp đê giữ nước ỡ Thái-bình.Mặc dầu vậy,theo cụ nói thì nghề dạy học vẫn là nghề cụ thấy không thể nào rời bỏ được nên cụ lại trở về với nghề dậy học. Không kể những tháng năm đứt quãng,cụ đã ở trong nghề được 30 năm. Cụ về hưu lúc 55 tuổi.Một môn đệ cuả cụ đã tặng cụ một bức trướng lớn có đôi câu đối chữ nôm đã tóm tắt được cuộc đời nhà giáo của cụ như sau:
Ba mươi năm trường,bể học mênh mông thuyền thuận gío Năm nhăm tuổi thọ,chén quỳnh ngất ngưởng tiệc mừng xuân
CHÍ HƯỚNG VÀ VĂN NGHIệP.
            Mặc dầu là một nhà giáo,nhà mô phạm cuả nền tân học,nhưng cụ Qúy vẫn giữ những đức tính cuả một nhà Nho,một tâm hồn cuả nền đạo lý Khổng Mạnh đông phương.Đúng hơn,Cụ là người tiêu biểu cho lớp người sinh ra và sống trong buổi giao thời,đã có được sự kết hợp cuả 2 nền văn hóa đông,tây,cũ,mới.Tính tình cụ rất phóng khoáng,cởi mở,thích giao du và luôn luôn nuôi chí hướng muốn làm được một việc gì để đóng góp cho đời.Cụ có biểu lộ nét phóng khoáng cuả mình trong một bài thơ tự vịnh dưới đây,kết hợp với tên cuả cụ:
Nhân sinh qúy thích chí
Nhất cảnh nhất quy mô
Điền giã ngu điền giã
Giang hồ lạc giang hồ
Thú vị hữu tình hữu
Phong lưu vô xứ vô
Tri giả bất tri giả
Nhiên hồ khởi nhiên hồ!i
Nghiã là:
            Con người ( ta đây )sinh ra ở trên đời,cốt nhất là được thoả cái chí bình sinh cuả mình.Mỗi cảnh ngộ đều có vẻ riêng của nó.Kẻ ở nơi thôn-dã có cái thú của sự vui hưởng điền viên,người nay đây mai đó thì có cái thú cuả cảnh lưu lạc giang hồ.Nơi nào có cảnh trí thú vị hữu tình thì cũng có ta,và khắp chốn phong lưu trong thiên hạ,không nơi đâu là không có ta.Kẻ nào biết được điều đó,hay không hiểu điều đó thì cũng chẳng sao,miễn là ta cứ tự nhiên nhi nhiên mà sống theo như vậy. Cụ muốm bảo tồn quốc hồn,quốc túy,nên trong những năm đi dậy học cụ chỉ mặc quốc phục,khăn đóng áo dài.Duy có thời gian cụ tạm nghỉ để khai thác mỏ than ở Hòn-gai,thường phải giao tiếp hàng ngày với người Pháp,cụ mới mặc âu phục,và khi quay về với nghề cũ,cụ lại trở về với quốc phục.Những công chức thời đó thường hút thuốc lá,nhưng cụ vẫn hút thuốc lào và đặc biệt là hay ăn trầu.Cụ thường hay mang trầu vào trong lớp,đã có lần viên Đốc học Pháp vào thanh tra trường,bắt gặp gói trầu cuả cụ để trên bàn,tỏ ra không hài lòng nhưng cụ vẫn thản nhiên, và sau khi nghe cụ giải thích viên thanh tra lại vui vẻ như thường. Cụ có thú vui đặc biệt là đánh tổ tôm và nghe hát ả đào.Cho đến nay những người đã từng chứng kiến,chưa có ai hiểu được là tại sao cụ lại có sức chiụ đựng,dẻo dai bền bỉ đến thế,cụ có thể ngồi chơi tổ tôm suốt hai ba ngày đêm liền không ngưng nghỉ mà vẫn không tỏ ra mệt mỏi,hoặc bị ốm đau sau đó.Trong các kỳ hè hoặc những ngày nghỉ lễ,ít khi thấy vắng cung đàn,tiếng phách ở nhà,có lẽ vì thế mà cụ không trở nên giầu có ?
            Với một tâm hồ phóng khoáng và nhân sinh quan" thú vị hữu tình,hữu phong lưu vô xứ vô".Cụ có khuynh hướng đựơc hưởng tất cả những thú vui "tửu,sắc,yên,đổ"cuả cuộc sống con người.Tuy nhiên trong lĩnh vực nào cụ cũng chỉ tham dự thoáng qua với tính cách để kinh qua hơn là để chìm đắm trong thụ hưởng.
            Riêng về cái thú uống rượu,dù là uống rượu tiêu sầu hay là tìm cảm hứng với anh em,Cụ có một lập trường rõ rệt là rứt khoát không uống rựơu trong bất cứ trường hợp nào,đôi khi còn có vẻ khắt khe nữa.Cụ thường nhắc nhở con cháu rằng :rượu là một thứ vô cùng nguy hại,và đã chứng tỏ điều đó bằng cách phỏng dịch bài thơ ngụ ngôn "Con ma rượu" cuả La Fontaine dưới đây,để con cháu ghi nhớ:
Con ma một bữa hiện hình người,
Dọa bảo :chàng kia chết đến nơi.
Đánh bố gỡ trôi hình tử tội,
Đốt nhà thoát khỏi tội nhà ngươi.
Say sưa tuỳ ý trong ba lẽ.
Chè chén,thôi ta quyết một lời.
Say rượu đốt nhà cùng đánh bố.
Ma men tàn bạo lắm ai ơi
            Ngòai những thú vui trên,Cụ còn rất thích thơ văn.Trong thời gian đi dậy cụ sáng tác một số bài thơ,thường là các bài vịnh các nhân vật lịch sử,các bài thơ khuyến học,tập trung thành một tập nhan đề là "Tùng thi giáo khoa thư" dành cho học sinh tiểu học,một quyển "Bắc kỳ địa dư ca"nói về địa dư của sứ Bắc-kỳ,một quyển dậy chữ hán "Nhị thiên tự"dành cho trẻ em, viết theo văn vần,thể lục bát với lời tựa mở đầu như sau:
Nhị thiên thường dụng tự
Tập thành diên vận ngữ,
Hợp tâm thức học quy
Tuân trình giáo tiểu tử
(Hai ngàn chữ thường dùng,hợp thành những câu có vần điệu,diễn tả theo lối mới hợp với chương trình dậy cho các trẻ em)
            Ngoài ra còn một số bài thơ nói về nhân tình thế thái,và các bài dịch thơ ngụ ngôn cuả La Fontaine.Khi lưu tại quê nhà ,Cụ còn sáng tác một số bài phú bằng Hán văn như :
"Thái bình cảnh tượng phú"
,"Thiên địa gian phú"
,"Thế thái nhân tình phú"...
và một quyển "Thành hòa gia giáo" dành riêng cho gia đình.
            Cụ lấy bút hiệu là THÀNH-HòA.Kết hợp tên cụ với những phương châm sử thế mà cụ tâm đắc trong cố thư là"Quân tử dĩ thành,dữ hòa vi quý (người quân tử rất qúy điều thành tín và sự hòa nhã).Cụ thường nhắc nhở con cháu hai chữ CầN và NHẫN,và thể hiện điều đó trên đôi câu đối treo nơi phòng ngủ của cụ:
Nhất cần thiên hạ vô nan sự
Bách nhẫn đường trung hữu thái hòa
            (Chỉ cần chăm chỉ thì trên đời không có việc gì khó,luôn luôn nhẫn nhục thì trong nhà mọi việc sẽ được vui vẻ hòa thuận) Với những đức tính và phương châm xử thế như trên,Cụ thường được mọi người cảm mến.Các bạn Cụ khá nhiều,bạn thân như cụ Kiểm Tầm,cụ Cử Bình,cụ Nghè Thăng,tuy khoa danh cao hơn Cụ nhưng vẫn cảm phục Cụ.Trong dịp Cụ từ giã nhà trường,về hưu nơi quê nhà,cụ Nghè Thăng ( quê Thuận-vi,Bách-Tính )mừng Cụ đôi câu đối,nội dung bầy tỏ sự cảm mến,nói lên sự nghiệp cá nhân và thanh danh dòng họ Cụ như sau:
Hàn uyên phong lưu,xã hội tề khan cao nguyệt đán,
Nhân sư phẩm vọng,thái-bình biệt chiếm đại gia thanh
 Dịch- Người khách phong lưu nơi vườn văn học,moị người trong xã hội (cũng còn là Hội kê ) đều ngắm nhìn như một vừng trăng sớm trên nền trời cao (xem chú thích về điển tích "Cao nguyệt đán".)
            Một ông thày có phẩm vọng,nay trong buổi thanh bình(cũng có nghĩa là Thái-bình)đã riêng chiếm được thanh danh của một đai gia- Trong suốt 30 năm trong ngành giáo dục,Cụ đã đào tạo biết bao nhiêu người thành đạt,đang đóng góp nhiều cho xã hội.Trong số này có những môn sinh cuả Cụ từ thuở thiếu thời,sau này,khi Cụ về hưu,họ đã trưởng thành và nắm giữ những trọng trách trong đủ mọi ngành.Với tấm lòng cảm phục,cũng như với mối tình sư đệ dành cho Cụ,các ông đã tập trung mấy chục cựu môn sinh,tổ chức một lễ tiễn đưa ngày cụ rời thành phố Nam-định về nghỉ hưu tại quê nhà.Họ tiễn đưa Cụ về tận làng Hội kê,với đám rứơc có cờ trống trang nghiêm,và đặc biệt là một bức hoành phi đại tự với bốn chữ " HÀ NAM PHU Tử "để ghi lại và nói lên tấm lòng cuả họ với người thày cũ.Bốn chữ đó nghiã là ông thày cũ ở đất Hà-nam và Nam-định,lại còn nghĩa cao xa hơn,coi cụ như ông thày đã theo bước được với bậc Vạn-thế-sư-biêu ngày xưa là đức Khổng-phu-tử.Bức hoành phi này vì thời cuộc nay không còn nữa,nhưng nội dung vẫn còn ghi lại trong những bản sao đang treo tại nhà cùng với ảnh của cụ. Lễ tiễn chân 3 ngày liền ,ngoài các cựu môn sinh,còn có những tân khách,bạn bè và thân bằng tổ chức các cuộc liên hoan,ca hát và bình thơ.Những bài thơ nói về Cụ gồm mấy chục bài,được sưu tập trong một cuốn Album,rất tiếc là đã thất lạc.Hầu hết những bài thơ này đều nhắc đến công ơn dậy dỗ cuả Thầy cũng như tình cảm của học trò.Trong đó có những câu:
Bến Vường một dải xanh xanh
Sông bao nhiêu nước ân tình bấy nhiêu.
            Môn sinh Nguyễn-văn-Luận (Bến Vường tức bến Tuần-Vuờng trên sông Hồng-Hà thuộc làng Hội-Kê).
và: Non Côi, sông Vị còn đây
Còn khoa luân-lý, ơn thầy còn lâu.
            Môn-sinh Hà-mai-Anh (Non Côi, tức núi Côi gần thành-phố Nam-Định. Sông Vị tức sông Vị- Hoàng,một con sông cũng thuộc thành phố Nam-Định mà ngày nay đã lấp đi,chỗ nhà thờ Khoái-Đồng ngày nay.)
            Đó là những điều liên hệ đến Cụ trong thời gian đi làm việc.Sau hki về hưu nghỉ tại quê nhà(1936),như trên đã nói, cụ đã dành một phần thời gian cho việc sáng tác thơ văn và nghỉ ngơi, an huởng tuổi già,vui thú điền viên.Ngoài ra trong thời gian này ,cụ đã được dân làng đề bạt làm tiên chỉ làng Hội-kê.Ngoài công việc thường lệ,với chức vị nguời đứng đầu trong làng,cụ đã khuyến khích việc nông tang(trồng dâu nuôi tằm) và đặc biệt đưa ra một phong trào bài trừ việc ăn uống trong những đám ma chay,tục tảo hôn còn tồn tại thơì đó,cũng như thói chua ngoa,tục tĩu còn rơi rớt trong một số người làng.Công việc này đã có một số kết quả và gây được ảnh hưởng cho các làng lân cận.Cụ đã giữ chức tiên chỉ Hội-Kê từ ngày bắt đầu về hưu cho mãi đến khi cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 bùng nổ.
            Tuy không còn trực tiếp đảm nhận công việc làng nữa,nhưng dân làng vẫn còn cảm mến cụ, và cũng do uy tín riêng của cụ,nên trong thơì kì đầu cuộc cách mạng 1945,năm làng cũ Hội-kê,Gia-Lạc,Phú-hậu,Duyên-Mỹ Phú-hữu được hợp lại thành một xã mới,dân trong vùng đã dành cho cụ cái vinh dự được đặt tên cho xã mới.Cụ đã đặt tên cho xã mới này là xã Quần-Hiền ,và xã mới này do ông Nguyễn-Hữu-Lộ,một cháu gọi cụ bằng chú làm chủ tịch.Tiếp sau đó ,xã Quần-Hiền lúc đó thuộc huyện Duyên-Hà được đổi sang nhập vào huyện Thư-Trì,và đồng thời lại nhập thêm làng Thượng-Hộ để thành lập một liên xã mới .Một lần nữa ,dân làng lại dành cho cụ cái vinh dự đặt tên cho xã này.Lần này cụ đặt tên cho liên xã mới này là Tam-tỉnh, với ý nghiã là một xã ở giáp ranh rới ba tỉnh Thái-Bình, Hà-Nam và Nam-Định.Có lẽ do một phần ảnh hưởng của cụ,mà xã mới này đã nhất loạt bầu ông Nguyễn-Hữu-Trọng ,con trai trưởng của cụ,làm chủ tịch xã Tam-tỉnh và cụ là cố vấn.
Mãi cho đến năm 1954 ,cụ cùng với gia đình và dòng họ di cư vào Nam,ngụ tại đường Ông Tạ ở căn nhà số 329 đường Phạm-văn-Hai ngày nay.ít năm sau,sau hơn một tuần bị bệnh viêm phổi, cụ đã tạ thế ngày lập hạ,thứ tư 29-tháng 3 năm kỷ hợi,tức mồng 6 tháng 5 năm 1959,để lại bao niềm thương nhớ cho con cháu và dòng họ,huởng thọ 78 tuổi. trong những năm tháng cuối đời ở miền Nam,khi hồi tưởng lại những việc làm trong quá khứ,cụ thuờng kể lại với một vẻ hài lòng về những sự việc sau đây:
            I/Năm 19..,cụ đã cùng với tất cả các cụ anh em,tổ chức đựơc ngày lễ mừng thượng thọ bát tuần của thân mẫu là cụ Bá bà, một cuộc lễ đặc biệt long trọng ,tổ chức qui mô ,kéo dài trong một tháng.
Tại sao cuộc lễ thượng thọ này đuợc tổ chức linh đình đến như thế?Ngày lễ không phải chỉ tổ chức thông thường như các gia đình khác là để báo hiếu mẹ cha,mà chính là để tạo nên được một khí thế quyết tâm đi lên của toàn dòng họ.Ngoài ra còn có một mục đích khác nữa ,vô cùng ý nghĩa mà hồi đó vì tình thế không thể nói ra, và sau đó cho đến ngày nay các con cháu cũng không mấy người biết rõ,mục đích đó là sự tập hợp , liên lạc kết thân với các nhân sĩ trong vùng,với các tỉnh chung quanh.đây là một sự cố gắng lớn lao với bao công sức của toàn thể dòng họ cũng như cụ Bá bà, một công việc chung sẽ phải nói đầy đủ hơn trong gia tộc chung của gia phả Nguyễn-Hữu (2).
            II/Hồi dạy học ở Nam Định,cụ đã kết thân và hoạt động cách mạng bí mật chống Pháp cùng với một đồng chí là cụ giáo Nguyễn-Văn-Trung đã nghỉ dậy,thoát ly gia đình lên miền ngược tổ chức đánh đồn Tà-lùng. Công việc bị thất bại và cụ Nguyễn-văn-Trung đã bị chính quyền Pháp bắt giam,kết án tử hình và hành quyết ngay tại pháp trường thành phố Nam-định.Phong trào từ đó tan rã.Cụ và một số đồng chí khác đã may mắn thoát nạn.Việc lớn không thành,nhưng uy tín và ảnh hưởng của Cụ với các bạn bè đã tăng thêm.
            III/Ngay từ buổi đầu đi làm việc,để thực hiện chí hướng đang ấp ủ,Cụ mang theo các con cháu nội ngọai,trước sau cho đến lúc về hưu,tất cả trên 20 người,đi theo học với Cụ .Trong số những người này,trên một nửa đã tốt nghiệp tiểu học và trung học (Certificat và Diplome).Thời đó là một thành tích đáng kể,vì việc học rất khó khăn và hạn chế.Có nhiều nơi cả một tổng không có được một người đậu bằng Certificat. Chuyện kể lại rằng khi ông Nguyễn-hữu-Biền làm chánh tổng sở tại,tức tổng Thượng-hộ,có trách nhiệm phải ghi tên những người có bằng certificat trở lên để làm thẻ cử tri bầu nghị viện Bắc-kỳ,có những tổng chẳng có người nào,nhưng tổng Thượng-hộ riêng trong họ Nguyễn-hữu Hội-kê đã có 13 người,vì thế mà chuyện này đã lan truyền khắp tỉnh. Những sự việc kể trên nay chỉ còn là những kỷ niệm.Dù sao ước nguyện bình sinh của Cụ đã đạt được phần nào.
===================
Chú giải.Nguyệt đán: CHU TỬ DO KỲ NGUYỆT ĐÁN
Chữ Chu-tử: Trong ngũ ngôn thi hay trạng nguyên thi có câu: Mãn triều chu tử qúy,
       Tận thị độc thư nhân.
Nghiã là:Các quan to trong triều đình đề là những người đọc sách Chữ Nguyệt đán :dùng có nghiã là" diễn đàn công cộng "Vì ngày xưa có 2 danh sĩ thừơng họp các nho sĩ trong vùng vào ngày nhất định để bình phẩm người và việc địa phương,tục này sau được phổ biến ở Nhữ-nam.Những người đựơc khen ngợi,ca tụng ở nguyệt đán thừơng nhờ đó mà được địa vị,trước khi có khoa cử,các người làm quan đều do tiến cử,nên mới có từ "Cử-nhân,tiến-sĩ.
CHÚC THỌ BÁT TUẦN CỤ TỔ BÀ NGUYỄN HỮU ĐOÀI
( tác giả Nguyễn-hữu-Qúy )
Năm nhâm tuất mùa đông tháng một
Chốn đình vi tươi tốt trăm hoa.
Ơn tiên tổ,phúc ấm nhà,
Nhờ ơn cố phụ lập ra cơ đồ.
Thêm cho quang cảnh bây giờ,
Nhờ công từ mẫu điểm tô rườm rà.
Trông tranh ngũ phúc,tam đa,
Khéo thay như đã vẽ ra truyền thần.
Nối dòng quốc lộc,quân ân,
Một nhà được đủ mọi phần vẻ vang.
Gia đình hiếu đạo,nghiêm trang,
Thần bôn phụng-trực,trân-can tiến mừng.
Thức mỹ vỵ dâu từng chẳng thiếu,
Cuộc thừa hoan gợi biếu chút tình
Tỏ lòng báo đức sinh thành,
Muôn nghìn vàng ngọc khôn dành công lao.
Gọi là bổng lọc ơn cao,
Anh em xin mở tiệc khao thọ này.
Tấm lòng vẫn đội ơn dầy,
Đạo làm con,há có ngày nào quên.
Một,mừng mẹ ngày nay mạnh khoẻ,
Tuổi tám mươi,mọi vẻ tinh thần.
Mong rằng tiệc thọ cửu tuần,
Lại thêm danh tiếng muôn phần hơn nay.
Hai,mừng mẹ mỗi ngày thêm phúc,
Con cháu đều tiến chức ,thăng quan.
Gái trai gặp bước thẳng đàng,
Hàng chắt cũng được vẻ vang hơn người.
Ba,mừng mẹ ba đời chứng kiến,
Đời xưng là"tích thiện chi gia"
Trời cho đức hạnh hiền hòa,
Hằng trăm con,cháu,chắt đà còn đông.
Mong noi dòng dõi Trương công,
Học hành tiến bộ,người đông,của giầu.
Một nhà hưởng phúc dài lâu
Nhâm tuất Trọng đông ( 1920 ) Các con đồng bái chúc

2 nhận xét:

  1. tieu su cua 4 cu nua sao khong dua len cho moi nguoi coi , nghe noi la ong Thanh va ong Tinh cat giu .cho chung toi them thong tin de ben vn chung toi suu tam

    Trả lờiXóa
  2. Xin chào bác, cháu cũng người Tam Tỉnh, thuộc giáo họ Phú Hậu, giáo họ Hội Kê thì cũng ở gần đó, hồi cháu còn nhỏ (khi đó học lớp 6 ở Hồng Lý), ông nội cháu tên là Nguyễn Năng Khước (còn gọi là Ước), sau khi đi Sài Gòn chơi về, có tặng cháu một cuốn sách tên là "Phát Âm Và Nói Tiếng Anh Chuẩn", có chữ ký là thủ bút của bác Nguyễn Hữu Quyền cũng chính là tác giả. Nhờ cuốn sách này mà cháu có động lực học tiếng Anh. Bác cho cháu hỏi là tác giả Nguyễn Hữu Quyền còn ở khu Ông Tạ - Phạm Văn Hai không ạ? Cháu muốn ghé thăm chào bác ấy và nhân tiện cũng trao đổi thêm về lịch sử của Tam Tỉnh. Anh trai của ông nội cháu là ông Nguyễn Năng Khanh (hai ông đều là con của cụ Nguyễn Duy Đô), cũng vô Nam năm 1954 và ở khu Ông Tạ, chỗ bờ kênh đối diện giáo xứ Tân Chí Linh, nên có thể ông nội cháu khi ghé Sài Gòn chơi cũng biết tác giả Nguyễn Hữu Quyền ở gần đó. Hoặc hai người cũng có thể là bạn bè từ hồi còn ngoài Tam Tỉnh. Email của cháu là: wscafe.com@gmail.com. Cháu xin cám ơn trước ạ.

    Trả lờiXóa

Ý kiến phản hồi : Trong ô "Chọn hồ sơ" , xin chọn "Ẩn danh"nếu có gmail thì chọn "Google"